CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN - Năm B -
Ngày 25/10/2009
BÀI ĐỌC 1: Jer 31, 7-8
Bài trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Đây Chúa phán: ‘’Hỡi Giacób, hãy hân hoan vui mừng, hãy hò hét
vào đầu các dân ngoại: hãy cất tiếng vang lên ca hát rằng: Lạy
Chúa, xin hãy cứu dân Chúa là những kẻ sống sót trong Israel.
Đây, Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại
từ bờ cõi trái đất: trong bọn chúng sẽ có kẻ đui mù, què quặt,
mang thai và sanh con, đi chung với nhau, họp thành một cộng
đoàn thật đông quy tụ về đây. Chúng vừa đi vừa khóc. Ta sẽ lấy
lòng từ bi và dẫn dắt chúng trở về: chúng không phải vấp ngã
trên đường đi: vì Ta đã trở nên thân phụ dân Israel, và Ephraim
là trưởng tử của Ta’’.
Đó là Lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv.126, 1-2ab, 2cd-3, 4-5, 6
Chúa đã đối xử đại lượng với chúng con, nên chúng con mừng rỡ
hân hoan.
1. Khi Chúa đem những người từ Sion bị bắt trở về, chúng con
dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng con vui cười, lưỡi
chúng con thốt lên những tiếng hân hoan.
2. Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: ‘’Chúa đã đối xử với
họ cách đại lượng’’. Chúa đã đối xử cách đại lượng với chúng
con, nên chúng con mừng rỡ hân hoan.
3. Lạy Chúa, hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền
nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.
4. Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về
trong hân hoan, vai mang những bố lúa.
BÀI ĐỌC 2: Eph 5, 1-6
Bài trích thư gởi tín hữu Do thái.
Tất cả các vị thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt
lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và
hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và
lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế
cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì
người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai được
chiếm vinh dự đó, nhưng phải là người được Thiên Chúa kêu gọi,
như Aaron. Cũng thế, Đức Kitô không tự dành lấy quyền làm thượng
tế, nhưng là Đấng đã nói với người rằng: “Con là Con Cha, hôm
nay Cha sinh ra Con’’. Cũng có nơi khác Ngài phán: ‘’Con là tư
tế đến muôn đời theo phẩm hàm Melkisêđê’’.
Đó là Lời Chúa.
ALLELUIA: Lc 19, 38
Alleluia - Alleluia – Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà
đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. -
Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 10, 46-52
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Gêricô cùng với các môn đệ và
một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang
ngồi ăn xin ở vệ đường. Khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu
Nagiarét, liền kêu lên rằng: ‘’Hỡi ông Giêsu con Vua Đavít, xin
thương xót tôi’’. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh
càng kêu to hơn: ‘’Hỡi con Vua Đavít, xin thương xót tôi’’. Chúa
Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và
bảo anh: ‘’Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh’’. Anh ta liệng
áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo
rằng: ‘’Anh muốn Ta làm gì cho anh?’’ Người mù thưa: ‘’Lạy Thầy,
xin cho tôi được thấy’’. Chúa Giêsu đáp: ‘’Được, đức tin của anh
đã chữa anh’’. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.
Đó là Lời Chúa.
===================================================================
Suy Niệm
Mù Tâm Linh.
23-10-2009 11:49 am
Người mù Bartimê, là một thí dụ về đức tin và lòng phó thác mà
chúng ta phải có trong Chúa. Mặc dầu bị nhiều người khinh rẻ và
cản trở nhưng với một niềm tin vững mạnh vào Chúa, ông vẫn kiên
trì cầu xin: Hỡi con Vua Đavít, xin thương xót tôi. Lời cầu khẩn
thiết tha phát xuất từ một tâm hồn tín thác đã thu hút được sự
chú ý của Chúa Giêsu. Khi được hỏi Anh muốn Ta làm gì cho anh?
Cuộc sống không nhìn thấy đối với ông là một đêm dài đầy bóng
tối. Trong mù loà ông nhận ra rằng bí mật của cuộc sống là để
được nhìn thấy - nhìn thấy ý nghĩa đích thực và hướng đi của
cuộc sống, là để biết được Thiên Chúa ở đâu mà tìm, và đâu là
nơi có thể tìm được chân thiện mỹ. Cho nên không một chút ngần
ngừ ông cầu xin: Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy.
Trong thực tế nhiều khi có mắt chúng ta nhưng không có nghĩa là
luôn nhìn thấy đâu là điều quan trọng nhất trong cuộc sống.
Trong cuộc sống, còn nhiều điều cần để thấy hơn là chỉ thấy ánh
sáng mặt trời. Đôi mắt sẽ trở nên ít hữu dụng nếu chúng ta không
nhìn thấy bàn tay của Chúa đang làm việc trong cuộc sống của
mình. Qua việc chữa lành người mù, Chúa muốn nói rằng mù loà tâm
linh còn đáng sợ hơn là mù loà thể lý, và rằng Người có thể chữa
lành căn bệnh này và giúp để chúng ta không phải bước đi trong
bóng tối.
Có nhiều cách khiến chúng ta bị mù loà tâm linh: ganh ghét, kiêu
ngạo và thù hận có thể ngăn cản chúng ta nhìn thấy sự thiện hảo
trong người khác. Không bao giờ thoả mãn với những gì mình có và
luôn mong ước để có được nhiều hơn là dấu hiệu rằng chúng ta
đang bị mù loà bởi lòng tham. Mê tín dị đoan là dấu hiệu rằng
chúng ta không nhìn thấy Ai là Thiên Chúa đích thực để tin tưởng
và phó thác v.v... Sau khi được chữa lành, người mù Bartimê nhận
ra một cách rõ ràng con đường mà ông sẽ đi. Ông không còn là một
người ăn xin ngồi bên lề đường một cách tiêu cực để nhận những
bố thí của người khác nhưng một cách tích cực đã cùng với Chúa
bước đi trên con đường. Con đường dẫn đến Giêrusalem để đau khổ,
tử nạn và Phục sinh.
Chúng ta có thể là những nạn nhân của một loại mù loà nào đó,
tuy nhiên, để có thể nhận ra sự mù loà này, chúng ta cần phải
cầu nguyện: Lạy Thầy, xin cho con được thấy. Chỉ có cầu nguyện
và phó thác vào Chúa, Đấng là sự sáng thế gian mới có thể xoá
tan sự mù loà và phục hồi lại ánh sáng tâm linh đích thực.
Lm Nguyễn Văn Tuyết
==================
Chúa nhật XXX quanh năm B-
Mc 10,46-52
“Lạy Thầy xin cho con được thấy” (Mc 10,51)
Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. vì mù lòa,
anh ta xa cách con đường bình thường của kẻ sáng mắt. Vì ăn xin,
anh ta nằm trong thế bị khai trừ, mãi mãi xa cách mọi người.
Nhưng anh đã kêu lên: “Hỡi ông Giêsu, con vua Đavít, xin thương
xót tôi”. Và Chúa Giêsu đã quan tâm đến anh. Được Chúa Giêsu gọi,
anh ta liệng áo choàng, đứng dậy đến cùng Chúa Giêsu. Anh ta đã
nhận thấy quyền năng Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, đã nhận ra vị
cứu tinh của anh, và đã đến với một tâm hồn đơn sơ trong trắng:
“Lạy Thầy, xin cho con được thấy” (Mc 10,51).
Đau khổ luôn luôn có nguy cơ làm cho chúng ta mù lòa, nổi loạn.
Người Kitô hữu luôn phải đặt niềm tin vào Thiên Chúa tình yêu
trong những đau khổ, luôn nhìn thấy thánh ý quan phòng của Chúa
trong tất cả các biến cố xảy ra trong đời sống. Từng bước một ta
phải kiên trì giữ vững đức tin, để nhận ra Chúa là nơi nương tựa
muôn đời của chúng ta. Và bắt chước thái độ khiêm nhường cảu Mẹ
Maria, chúng ta luôn biết “xin vâng” để từ bỏ sự mù tối mà đi
vào “ánh sáng”.
Đamien
(Trích Ý Lực Sống của Đamiên Website:
www.gpnt.net)