Sống Lời Chúa

"Dù Con Chưa Thấy Ngài"
LM. Nguyễn Duy với Ca Đoàn Ce'cillia

Lạy Chúa từ nhân,
Dù chưa một lần
Con nhìn thấy Chúa.
Nhưng con đoan hứa,
Luôn kính yêu Ngài.

Xin Ngài phù trợ,
Đời con sầu lo,
Tội lỗi tơ vò,
Ngài ơi tha thứ,
Ban Ơn cứu độ.

Joseph Duy Tâm, 28-02-2010


CHÚA NHẬT II MÙA CHAY - Năm C - Ngày 28.02.2010

BÀI ĐỌC I Gen 15, 5-12, 17-18
Bài trích sách Sáng thế.

Trong những ngày ấy, Thiên Chúa dẫn Abram ra ngoài và nói với ông: “Ngươi hãy ngước mắt lên trời, và nếu có thể được, hãy đếm các ngôi sao”. Rồi Chúa nói tiếp: “Miêu duệ của ngươi sẽ đông đảo như thế”.

Abram tin vào Thiên Chúa và vì đó, ông được công chính, và Chúa lại nói: “Ta là Chúa, Đấng dẫn dắt ngươi ra khỏi thành Ur của dân Calđê, để ban cho ngươi xứ này làm gia nghiệp”. Abram thưa rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, làm sao tôi có thể biết tôi sẽ được xứ đó làm gia nghiệp?” Chúa đáp: “Ngươi hãy bắt một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một con chim gáy mái và một con bồ câu non”. Abram bắt tất cả những con vật ấy, chặt ra làm đôi, đặt phân nửa này đối diện với phân nửa kia; nhưng ông không chặt đôi các con chim. Các mãnh cầm lao xuống trên những con vật vừa bị giết, song ông Abram đuổi chúng đi. Lúc mặt trời lặn, Abram ngủ mê; một cơn sợ hãi khủng khiếp và u tối bao trùm lấy ông. Khi mặt trời lặn rồi, bóng tối mịt mù phủ xuống, có một chiếc lò bốc khói và một khối lửa băng qua giữa những phần con vật bị chia đôi. Trong ngày đó, Chúa đã thiết lập giao ước với Abram mà nói rằng: “Ta ban xứ này cho miêu duệ ngươi, từ sông Ai cập cho đến sông Euphrat.”

Đó là Lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv. 26, 1. 7-8a, 8b-9abc, 13-14
Chúa là sự sáng, là Đấng cứu độ, tôi sợ chi ai?

1- Chúa là sự sáng, là Đấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Đấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai?
2- Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Về Chúa, lòng con tự nhắc lời: “Hãy tìm ra mắt Ta”.
3- Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa, xin Chúa đừng ẩn mặt xa con, xin đừng xua đuổi tôi tớ Người trong cơn thịnh nộ. Chúa là Đấng phù trợ, xin đừng hất hủi con.
4- Con tin rằng con sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa!

BÀI ĐỌC II Phil 3: 17 – 4: 1
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Phi-lip-phê.

Anh chị em thân mến, anh chị em hãy bắt chước tôi, và hãy để mắt nhìn coi những người ăn ở theo như mẫu mực anh chị em thấy nơi chúng tôi. Bởi chưng như tôi đã thường nói với anh chị em, và giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói lại; có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Đức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này. Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Đấng Cứu Chuộc là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người. Bởi thế, anh chị em thân mến và yêu quý, anh chị em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi, anh chị em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa.

Đó là Lời Chúa.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM Mt. 17:5

Từ trong đám mây sáng chói, có tiếng Chúa Cha phán rằng:
“Đây là Con Ta Yêu Dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.

PHÚC ÂM: Lc 9: 28-36
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người. Đó là Môisen và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng tôi được ở đây thì tốt lắm, chúng tôi xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisen, và một cho Êlia”. Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các ông và thấy các ngài biến vào trong đám mây. Các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ trong đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta Yêu Dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.

Đó là Lời Chúa.

 

Suy Niệm

Chúa Nhật II Mùa chay- Lc 9,28b-36

1.

“Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường, và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng” (Lc 9,29)

Phúc âm nói: “Diện mạo Người biến đổi khác thường” và Người xuất hiện sáng láng giữa hai nhân vật uy nghi, thế nhưng Phêrô và các bạn ông vẫn nhận ra Người, họ phân biệt Người với Môisen và tiên tri Êlia. Như thế, ta biết rằng nếu ta được sống lại với Người và như Người, thì ta cũng sẽ được biến đổi và trở nên khác thường, nhưng ta vẫn còn là chính ta; không phải chỉ tâm hồn mới biến đổi mà cả thể xác cũng biến đổi, vì thánh Phaolô nhấn mạnh đến việc biến đổi về thể xác “Chúa Giêsu Ktô sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống thân xác hiển vinh của Người” (Phl 3,21). “Bởi vì xác hay hư nát này phải mặc lấy sự không hư nát, và xác hay chết này phải mặc lấy sự trường sinh bất tử”. (1 Cr 15,53-54)

Ngay trong đời sống hiện tại, việc biến hình của mỗi người được thực hiện do nếp sống và sinh hoạt của mỗi người tháp nhập vào sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Như vậy chúng ta phải cố gắng loại trừ dục vọng, hành động xấu xa, để có thể “cắm lều” sống kết hợp với Chúa khi đang còn cuộc sống ở trần gian này.

2.

“Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa” (Lc 9,32)

Suy niệm: Cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi Tabôrê cho ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan cho thấy trước vinh quang Phục Sinh của Người. Như các biến cố khác trong cuộc đời Chúa Giêsu, cuộc biến hình theo Thánh sử Luca quy hướng về màn kịch cuối cùng và hướng về Giêrusalem.
Thánh Luca là người duy nhất ghi lại điều này: Trong cuộc biến hình cũng như trong vườn giêtsêmani, các môn đệ mê ngủ và họ chỉ chứng kiến sự kỳ diệu khi thức dậy. Trong cùng ý nghĩa đó, việc Phêrô xin dựng ba lều để kéo dài thời gian đặc ân làm cho ta liên tưởng đến hai khách bộ hành trên đường Emmau, cầu xin Đấng Phục Sinh ở lại với họ lâu hơn nữa. cuộc biến hình là một gạch nối giữa ánh sáng vụt qua của phép rửa và ánh sáng rạng ngời của ngày Phục Sinh, nhưng nó cũng là dấu hiệu báo trước cuộc tử nạn cứu độ của Đức Kitô.

Thực hành:

*Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để có thể trãi qua những giây phút đen tối cuộc đời mà đi vào vinh quang với Chúa.

*Luôn sống đời công chính: “Phần con nhờ công chính sẽ được thấy Thiên nhan; khi thức giấc con no thỏa nhìn dung nhan Chúa.(Tv 16,15)


Đamien (Trích www.gpnt.net)